Giống mới Lợn Piétrain

Người ta đã truy tìm tận trong gen của lợn lực sĩ để tìm ra thủ phạm là gen Halothan. Các nhà nghiên cứu ở Khoa Thú y - Trường Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) đã khắc phục thành công nhược điểm trên khi nghiên cứu tạo ra dòng lợn Pietrain mới, kháng stress khi loại bỏ được gen gây đau khổ cho chúng. Ngoài ra đã tạo ra dòng lợn Pietrain mới, kháng stress (Pietrain kháng gen Halothan, viết tắt là Pietrain ReHal) bằng cách lai ngược với lợn Yorkshire để chuyển một allene N từ locus halothan của lợn Đại Bạch vào bộ gen của Pietrain.

Lợn Piétrain RéHal có nguồn gốc từ Bỉ là một giống lợn nổi tiếng trên thế giới có tỷ lệ móc hàm rất cao 80,8%, tỷ lệ nạc tới 60,9%, tốc độ sinh trưởng nhanh, sử dụng lợn Piétrain phối với lợn nái ngoại F1 (Landrace × Yorkshire) đã được tiến hành rộng rãi để nâng cao năng suất chất lượng thịt ở nhiều nước châu Âu. So sánh với các giống lợn ngoại khác như Duroc, Pidu, Landrace, Yorkshire cho thấy Lợn đực giống Piétrain RéHal có khả năng thích nghi tốt và sản xuất tinh dịch tốt trong điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Các chỉ tiêu đánh giá về phẩm chất tinh dịch cho thấy tinh dịch của lợn đực Piétrain RéHal đạt chất lượng tốt và đảm bảo quy định về tiêu chuẩn đối với lợn đực ngoại sử dụng trong thụ tinh nhân tạo đáp ứng được yêu cầu nhân giống cho sản xuất[3].

Pietrain kháng stress thể hiện được tất cả các ưu điểm của Pietrain cổ điển nói trên nhưng đặc tính nhạy cảm với stress đã giảm rõ rệt, đặc biệt là chất lượng thịt sau khi giết mổ đã được cải thiện, tỷ lệ thịt nhão và nhạt giảm đi rõ rệt. Số lượng cá thể lợn có gen Halothan đã giảm rõ rệt. Do khắc phục được nhược điểm này nên giống lợn Pietrain kháng stress đã nhanh chóng được phát triển mạnh ở châu Âu và nhiều nước khá. Nhiều nước khác do không có sự can thiệp của khoa học, không phân tích để loại bỏ tỷ lệ mang gen sợ hãi nên lẫn lộn hết cả, rốt cuộc lợn vẫn lăn ra vì vỡ tim khi có tiếng động mạnh.

Vẫn có khoảng 5% lợn con sinh ra vẫn còn gen quy định sự sợ hãi nên tất cả lợn khi còn nhỏ đều được cắt cụt đuôi để lấy máu phân tích gen, truy tìm số 5% kia sau đó thì lại bỏ để lại 100% những con lợn chỉ biết có mỗi một niềm sung sướng trên đời. Mỗi lần phân tích gen như thế mất trọn 3 ngày với kinh phí khoảng 600.000đ/con. Hàng vạn cái đuôi lưu trữ trong kho đông như vậy. Bởi là giống thuần, để giữ độc quyền trại chỉ bán tinh chứ không bán lợn nái. Nếu số lượng cái sinh ra thừa, đến kỳ giết thịt phải cử người đến tận lò mổ để xem và mang về cho bằng được đôi tai có bấm số về cất trữ[1]. Giống lợn lực sĩ này sau khi khắc phục yếu điểm sợ hãi vẫn còn có khiếm khuyết là chân bé.

Trên những đôi chân sạch sẽ, thon gọn siêu mẫu là các con đực, con nái nặng từ 2,5- 3,5 tạ nên chúng rất hay mắc bệnh xương khớp. Để khắc phục, từ những con đực giống Pietrain kháng stress được đem phối với lợn Duroc thuần tạo ra con lai PiDu dùng làm con đực cuối cùng lai với lợn Yorkshire hay Landrace…tạo ra con thương phẩm có tăng trọng nhanh, phẩm chất thịt tốt. Với mỗi liều tinh giá 50.000đ cấp cho các nông hộ có thể giúp tăng thêm cho họ 1 tạ lợn hơi mỗi lứa. Đàn lợn đã cho ra các thế hệ có chất lượng tốt, bước đầu cung cấp cho thị trường lợn đực giống Pietrain kháng stress, dùng để lai với lợn cái Duroc nhằm tạo ra lợn đực cuối cùng (đực PiDu) nhằm nâng cao tỷ lệ nạc và năng suất thịt mông cao (thịt Jambon).

Việc sử dụng giống lợn đực Piétrain RéHal trong thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái nếu được ứng dụng rộng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các trang trại, gia traị chăn nuôi. Mô hình sử dụng lợn đực Piétrain RéHal phối giống với nái lai để phát triển đàn lợn lai 3 giống, 4 giống ngoại hoặc công thức lai có máu nội nhằm tận dụng ưu thế lai của lợn nội (khả năng kháng bệnh tốt, năng suất sinh sản cao, chịu kham khổ tốt) và phát huy tiềm năng của lợn ngoại (tăng khối lượng tốt, tỷ lệ nạc cao) sẽ góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn thịt trong thực tế[3].

Mô hình nuôi lợn nái lai phối với tinh dịch lợn đực giống Piétrain RéHal theo 3 công thức với số lượng: 20 con lợn nái lai F1 (L x MC); 20 con lợn nái lai F1 (Y x MC); 20 con lợn nái lai F1 F1 (L x Y). Các lợn nái được lựa chọn đã đẻ được từ 2 đến 3 lứa, đạt tiêu chuẩn sử dụng để thụ tinh nhân tạo. Các công thức lai giữa đực giống Piétrain Réhal với lợn nái lai trong các mô hình đều cho năng suất sinh sản tốt. Số con đẻ ra/ổ cao nhất ở công thức lai Pi x F1 (L x MC) là 12,05 con; công thức lai Pi x F1(Yx MC) là 11,95 con và công thức lai Pi xF1 (LxY) với 11,3 con.

Tỷ lệ sơ sinh sống và tỷ lệ nuôi sống đến khi cai sữa ở 3 công thức lai đạt từ 94,35 đến 98,64%. Khối lượng sơ sinh/con đạt từ 1,36 đến 1,58 kg/con; khối lượng cai sữa/con tương ứng là 6,33 kg; 6,26 kg và 6,58 kg; khối lượng ở 60 ngày tuổi/con đạt từ 17,16 đến 19,31 kg. Với khả năng sinh sản của lợn nái lai và khả năng sinh trưởng của đàn con lai đến 60 ngày tuổi có thể nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn nái lai phối với tinh lợn đực giống Piétrain Réhal[3]. Mô hình nuôi thương phẩm lợn lai từ lợn đực giống Piétrain RéHal với lợn nái lai. Con lai được tạo ra từ các công thức lai: Công thức Pi x F1(L x MC) 30 con; Công thức Pi x F1(Y x MC) 30 con; công thức Pi x F1(L x Y) 30 con. Khối lượng bắt đầu nuôi thí nghiệm cân được ở 60 ngày tuổi của con lai ở ba công thức lai lần lượt là: Pi × F1(Y× MC) 16,93 kg, ở công thức lai Pi × F1(L × MC) là 16,65 kg và công thức lai Pi ×F1(L × Y)là 19,08 kg.

Sau thời gian nuôi, khối lượng lợn lai xuất bán thời điểm 170 ngày con lai Pi × F1(Y × MC) là 96,23 kg, sau nuôi 172 ngày con lai Pi × F1(L × MC) (95,67 kg), sau nuôi 160 ngày ở con lai Pi ×F1(L × Y) là 105,3 kg; Tỷ trọng tăng khối lượng bình quân đạt từ 0,6-0,7 kg/ngày, trong khi mức độ tiêu tốn thức ăn chỉ từ 2,31-2,56 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Tỷ lệ thịt móc hàm đạt trên 80%, chất lượng thịt tốt, chất lượng thịt lợn thương phẩm có tỷ lệ nạc trên 55%[3]